Các loại vật liệu dùng làm máy bay mô hình

Bài viết này sẽ giới thiệu cho các bạn sơ lược về các loại vật liệu dùng làm khung, vỏ máy bay mô hình. Tùy vào đối tượng, mục đích sử dụng mà vật liệu làm máy bay mô hình có thể khác nhau.

Đối với dân chơi mô hình nghiệp dư, chơi theo đam mê, sở thích thì vật dụng thông dụng nhất dùng để làm máy bay mô hình là: xốp mô hình, giấy bìa các tông, đề can, gỗ ép, gỗ bansa, giấy bóng kính …

Xốp mô hình, giấy bìa các tông (gia cố bằng các thanh các bon): Ưu điểm là dễ gia công chế tạo. Vật liệu thích hợp với dân nghiệp dư vì không cần nhiều dụng cụ để chế tạo. Tuy nhiên nhược điểm lớn nhất của nó là độ bền, khả năng chịu va đập. Đối với máy bay mô hình làm bằng xốp, giấy bìa các tông thì chỉ cần một lần rơi là hỏng luôn cả chiếc máy bay.
Gỗ ép, gỗ bansa, đề can: Dân chơi mô hình cầu kỳ hơn một chút, đam mê hơn một chút sẽ dùng loại vật liệu này. Ưu điểm so với xốp là bền hơn, đẹp hơn. Nhược điểm so với xốp là tốn nhiều công sức, thời gian trong việc gia công, chế tạo.

Đối với các nhà sản xuất công nghiệp, thì vật liệu chủ yếu dùng làm máy bay mô hình là: xốp (foam), nhựa, composite … Tùy vào đối tượng khách hàng, mục đích sử dụng thì các nhà sản xuất sẽ dùng các vật liệu tương ứng. Tùy thuộc vào vật liệu mà yêu cầu về công nghệ, chi phí gia công chế tạo sẽ khác nhau và do đó sẽ cho sản phẩm với giá thành khác nhau.

Sau đây xin giới thiệu tổng quan về một số loại vật liệu chính dùng cho dân chơi mô hình nghiệp dư:

1 – Xốp (Foam):

Loại nguyên liệu này mua rất dễ, có thể tìm thấy ở các cửa hàng bán vật liệu quảng cáo, cách âm, nơi làm khẩu hiệu.. tùy theo nhu cầu sử dụng mà có thể mua loại cứng hay mềm, khổ to hay nhỏ… xốp có thể dùng làm tầu thuyền, cánh may bay… đặc điểm của xốp là tuy nhẹ nhưng rất dễ vỡ do vậy để khắc phục thì có một số cách chính sau đây:

  • Dán đề can: loại hay dùng để dán lên ô tô xe máy
  • Quét nhựa epoxy (đã pha chế) lên bề mặt

Khi mô hình làm bằng bằng xốp bị dập nát (nhỏ nhỏ thôi) thì ta có thể dùng dao cắt bỏ phần bị hỏng đi, cắt một miếng xốp mới ghép vào rồi lại dán đề can và quét nhựa lại…

Để cắt được xốp thì cũng có 02 cách chính: dùng dao dọc giấy, cách này hơi bị khó khi muốn cắt những thành phần cần độ chính xác và thẩm mỹ cao, cách thứ hai là dùng điện, cách này rất đơn giản, mua một cái dây “mai xo”(chẳng biết gọi là gì nữa)loại dùng cho bếp nhóm than chẳng hạn, càng nhỏ càng tốt…cắt một đoạn rồi căng sơi dây ra càng căng càng tốt… đấu 2 đầu sợi dây vào một nguồn điện từ 9v-12v (hoặc có thể cao hơn nữa tùy theo dây), sợi dây sẽ nóng lên, điều chỉnh điện áp tăng dần cho đến khi đưa miếng xốp vào cắt ngon lành là được.

Xốp sau khi cắt xong có thể không được phẳng, lúc này dùng một miếng giấy ráp (giấy nhám) dán vào một miếng gỗ phẳng và đánh cho đến khi nào ưng ý thì thôi

2 – Gỗ ép (polywood)

Gỗ ép hay gỗ nhiều lớp loại 3mm có ba lớp (cấu tạo dạng sandwich) nên khả năng chịu lực của loại gỗ này rất tốt. Do đó loại gỗ này hay được dùng làm khung xương của máy bay mô hình.

3 – Gỗ balsa

Gỗ balsa là loại gỗ có tỷ trọng nhẹ nhất và khả năng chịu lực tốt nhất, lý tưởng cho việc làm mô hình nhưng có xuất sứ từ nước ngoài nên mua gỗ có giá thành rất cao. Ưu điểm của gỗ bansa là mỏng và dai, dễ uốn thành các biên dạng cong nên thường được dùng để ốp bên ngoài, tạo hình cho máy bay kết hợp với đề can. Gỗ bansa bán trên thị trường có bề dày thay đổi từ 0,5mm đến 2mm. Loại mỏng thường để ốp vỏ tạo hình, loại dày dùng làm khung xương (chỗ không cần chịu lực quá lớn)

Ở Việt Nam có thể chọn gỗ cây gòn (ở miền nam) hay cây vông (ở miền bắc) sẽ rẻ hơn rất nhiều. và chất lượng không kém là bao nếu được tẩm sấy cẩn thận

Khi mua chú ý 2 điều :

  • Gỗ được sấy kỹ và xử lý mối, mọt tốt sẽ không biến dạng và mọt theo thời gian.
  • Đoạn gần gốc gỗ sớ gỗ dẽ và nặng hơn phần ngọn. Khi làm thì chú ý mà sử dụng cho đúng yêu cầu thiết kế. phần gốc gỗ sẽ dành cho các vùng chịu lực, phần ngọn gỗ sẽ dùng làm phần bao, phần gốc gỗ sẽ khó cắt được mỏng như phần ngọn gỗ.

Ngoài ra còn 1 nguồn gỗ nữa là từ các palette, thùng hàng từ nước ngoài nhập về. cụ thể như các palette bằng gỗ thông đã tẩm sấy, nhẹ và bền mối mọt không cong vênh.

4 – Composite (chế tạo thủ công, bằng tay):

Dân chơi mô hình nghiệp dư chỉ làm Composite ở mức độ đơn giản nhất, pha chế ít loại nguyên liệu nhất, tuy vậy nó cũng có độ cứng khá cao và nhẹ… đặc biệt là có khả năng chịu nước nên dùng làm tầu thuyền rất tốt:

  • Vải thủy tinh: mua rất rẻ và dễ ở các cửa hàng vật liệu cách nhiệt, vật liệu điện, xây dựng… như trên Hàng Bông, Láng Hạ…
  • Nhựa Epoxy (ngoài hàng người ta còn gọi là nhựa PVC), có thể mua được ở trên Hàng Hòm
  • Chất đông cứng (làm rắn, đông đặc), nơi nào bán epoxy, nơi đó sẽ bán chất này

Cách làm cũng rất đơn giản, cho vải thủy tinh vào khuôn, sau đó quét đều epoxy (đã pha chế) lên bề mặt, rồi lại phủ tiếp vải lên… rồi lại quét, cho đến khi đủ độ dầy cần thiết.

Để làm khuôn cho Composite có thể làm khuôn dương bản hoặc khuôn âm bản:

  • Khuôn dương bản: làm mô hình bằng xốp, sau đó thực hiện theo cách làm ở trên (bọc Composite ra ngoài), chờ đến khi khô thì có thể phá bỏ lớp xốp ở trong đi, những vụn xốp còn bám lại ở trong có thể dùng xăng làm sạch (xăng ăn xốp), cách làm này đơn giản nhưng mất công và không chuyên nghiệp, vì mỗi lần làm là lại một lần làm khuôn.
  • Khuôn âm bản: làm chuyên nghiệp, nhưng phức tạp hơn, đó là dựng khuôn bằng thạch cao… cách này mình chưa làm nhưng cũng xin cung cấp để mọi người biết thêm, một ví dụ đơn giản nhất là muốn là một cái hộp, ta sẽ nhúng cái hộp vào khối thạch cao, chờ thạch cao khô hẳn… thế là ta đã có một cái khuôn của cái hộp, sau đó làm Composite như ở trên (phủ Composite ở trong khuôn), chờ hơi khô rồi nhấc ra, tinh chỉnh lại khuôn rồi dùng tiếp, một khuôn thạch cao có thể dùng làm được nhiều lần.

Đối với mỗi một mô hình ta có thể phải làm nhiều khuôn cho mỗi chi tiết, thành phần, hoặc có thể phải dùng cả khuôn dương bản và âm bản cùng lúc để tăng hiệu quả.

Sản phẩm sau khi làm ra có thể được bả matít để tăng tính thẩm mỹ.

(bkaero.vn)

Trả lời