Đầu tư cho ngành khoa học hàng không là đầu tư cho sự phát triển kinh tế

LTS: PGS.TS Nguyễn Thiện Tống được nhiều người biết đến với vai trò là “kiến trúc sư trưởng” xây dựng chương trình đào tạo ngành kỹ thuật hàng không. Ông là người Việt Nam đầu tiên và trẻ nhất nhận bằng Tiến sĩ ngành Kỹ thuật Hàng không ở Viện Đại học Sydney từ năm 1974. Tạp chí Quê Hương trao đổi với ông về vai trò, vị trí của ngành khoa học hàng không đối với sự phát triển của TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống tại Viện bảo tàng Hàng không ở Seattle năm 2006

PV: Là một chuyên gia trong lĩnh vực khoa học hàng không, ông đánh giá như thế nào về vị trí, tiềm năng ngành hàng không ở nước ta hiện nay?

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: Ngành hàng không có vị trí rất quan trọng trong lĩnh vực phát triển kinh tế cũng như quốc phòng của nước ta và tiềm năng phát triển rất lớn, nhất là về công nghiệp vận chuyển hàng không và công nghiệp chế tạo máy bay.
Công nghiệp vận chuyển hàng không và sân bay (Aviation and Airports Industries) ở nước ta đã phát triển rất đáng kể trong thời gian gần đây với 21 sân bay hoạt động và năm 2015 có trên 60 triệu lượt hành khách. Các hãng hàng không Việt Nam hiện nay sử dụng gần 130 máy bay và dự kiến tăng lên nhanh trong thời gian tới.

Công nghiệp chế tạo máy bay (Aircraft Manufacturing Industries) cũng bắt đầu manh nha ở Việt Nam. Các nhà khoa học kỹ thuật hàng không dân sự và quân sự Việt Nam cũng đã có những nỗ lực thiết kế và chế tạo máy bay nhỏ 2 – 3 chỗ, máy bay siêu nhẹ giá rẻ, máy bay không người lái tầm xa tải trọng trên 01 tấn và rất nhiều loại máy bay không người lái cực nhỏ… Một số công ty nước ngoài và công ty nội địa ở Việt Nam cũng tham gia sản xuất phụ tùng cho máy bay Boeing, Airbus…

Ngành hàng không còn có tiềm năng phát để triển phục vụ trong nông nghiệp như phòng chống sâu bệnh, trong ngư nghiệp như tầm ngư (dò tìm cá), trong lâm nghiệp như phòng cháy chữa cháy rừng, trong y tế như máy bay cấp cứu (air ambulance), trong vấn đề bảo vệ an ninh quốc phòng như tuần tra bảo vệ biên giới, hải đảo…

Ngành kỹ thuật hàng không còn được ứng dụng trong việc phát triển tàu cánh ngầm, tàu đệm khí, turbine gió…

PV: Ông đánh giá như thế nào về việc đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực khoa học hàng không hiện nay tại TP Hồ Chí Minh cũng như cả nước hiện nay?

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh và trường Đại học Bách khoa Hà Nội cùng lúc mở ngành đào tạo về kỹ thuật hàng không từ năm 1996, đến nay đã có 18 khóa tốt nghiệp đại học với khoảng 1400 kỹ sư và nhiều người trong số đó đi du học và đạt trình độ tiến sĩ, phần lớn hiện đang làm việc ở nước ngoài.

Khoảng 25% số sinh viên tốt nghiệp 8 khóa đầu của ngành kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh được học bổng du học các nước Pháp, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Australia… và kết quả học tập thường ở nhóm đầu trong lớp. Điều đó chứng tỏ chất lượng đào tạo kỹ thuật hàng không trong nước – mặc dù thiếu thốn cơ sở vật chất thí nghiệm, thực hành, nhưng chất lượng đào tạo không kém so với nước ngoài.

Hiện nay xét về mặt số lượng và chất lượng thì nhân sự chủ lực phụ trách công việc sửa chữa bảo dưỡng máy bay tại các sân bay Việt Nam hầu hết được đào tạo từ hai trường đại học trên. Do số lượng máy bay của các hãng hàng không tăng nhanh, hai cơ sở đào tạo trên cần phải tăng số lượng sinh viên để đáp ứng nhu cầu nhân lực của ngành hàng không trong thời gian tới.

Ngoài ra, Học viện Kỹ thuật Quân sự và Học viện Phòng không Không quân Việt Nam cũng đào tạo kỹ sư hàng không riêng cho quân đội.

Phương tiện và kinh phí nghiên cứu khoa học về kỹ thuật hàng không ở trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh rất hạn chế và nghèo nàn. Tất cả giảng viên kỹ thuật hàng không ở đây đều có trình độ tiến sĩ ở nước ngoài về nhưng chỉ có thể làm nghiên cứu bằng tính toán mô phỏng cho những đề tài nhỏ về lý thuyết mà thôi, hoặc cố gắng lắm thì nghiên cứu lập trình và thiết kế chế tạo máy bay không người lái cực nhỏ. Các nghiên cứu về kỹ thuật hàng không trên cả nước đều manh mún và rất riêng rẽ nên chỉ có một số thành công ngắn hạn mà không được triển khai sản xuất chế tạo dài hạn. Trường đại học thường ở vị trí ngoài cuộc mà doanh nghiệp cũng không tham gia các nghiên cứu này.

TS Nguyễn Thiện Tống dạy ngoài giờ cho sinh viên Đại học Bách khoa TPHCM

PV: Là một nhà khoa học có nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy về chuyên ngành này, ông có đề xuất gì với Chính phủ và lãnh đạo TP Hồ Chí Minh về chiến lược phát triển lĩnh vực khoa học hàng không?

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: Dưới áp lực của nhu cầu, nền công nghiệp vận chuyển hàng không và sân bay ở nước ta đã phát triển rất đáng kể trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, Nhà nước hầu như không có chiến lược phát triển công nghiệp chế tạo máy bay và phụ tùng máy bay.

Theo tôi, đã đến lúc Việt Nam nên quan tâm đến vấn đề này. Về chiến lược phát triển công nghiệp vận chuyển hàng không thì Nhà nước cần có chính sách mới chú trọng khả năng vận chuyển hàng không đại chúng và làm cho việc đi lại bằng máy bay tiện lợi hơn, giá rẻ hơn để số đông dân chúng đủ sức chi trả. Những hãng hàng không tham gia thực hiện các chuyến bay giá rẻ cần được Nhà nước hỗ trợ cho hưởng ưu đãi thuế, chi phí nhiên liệu và phí sân bay để đảm bảo khả năng sinh lời. Bên cạnh đó, Chính phủ cần khôi phục và nâng cấp một số sân bay không được sử dụng từ sau năm 1975 để tăng cường năng lực kết nối giữa các khu vực dân cư, thay vì tập trung đầu tư quá lớn cho vài sân bay. Mặt khác, các trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu máy bay cũng cần được ưu đãi để phát triển hoạt động và hạn chế tình trạng các hãng hàng không Việt Nam phải đem máy bay ra nước ngoài để bảo dưỡng. Chẳng những thế, các trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa máy bay của Việt Nam có thể phát triển để thu hút các hãng hàng không quốc tế đem máy bay đến bảo dưỡng, sửa chữa.

“Tôi thấy mình thuộc về gia đình, thuộc về đất nước sinh ra mình và không thể tự cướp mình khỏi quê hương để làm kẻ vong thân sống sung túc ở xứ người được”

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống

Bầu trời là tài nguyên rất giá trị hiện còn bỏ trống rất nhiều nên cần được khai thác hơn nữa để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng không, trong khi vận chuyển trên mặt đất đang bị quá tải nhất là vào dịp lễ, tết còn bị tắc nghẽn. Chính phủ cần mở rộng bầu trời ở tầng thấp cho các loại máy bay nhỏ phục vụ đi lại đường ngắn giữa các địa phương và cho các loại máy bay taxi hàng không phục vụ đưa và đón hành khách giữa sân bay lớn ở thành phố trung tâm với các sân bay vệ tinh ở các tỉnh lẻ.

Về chiến lược xây dựng công nghiệp chế tạo máy bay thì Nhà nước cần có chính sách phát triển công nghiệp sản xuất phụ tùng máy bay lớn và chế tạo máy bay nhỏ theo các dự án hợp tác quốc tế về công nghiệp hàng không để nhận chuyển giao kỹ thuật từ các nhà sản xuất quốc tế cho các công ty Việt Nam. Chẳng hạn tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries Ltd của Nhật Bản đã xây dựng nhà máy chế tạo các bộ phận cánh thăng bằng của đuôi máy bay Boeing 737 và Boeing 777 ở Hà Nội năm 2008 và năm 2014. Tập đoàn hàng không Airbus cũng có ý định thành lập trung tâm sản xuất phụ tùng tại Việt Nam. Những nhà máy chế tạo như thế này sẽ xuất khẩu các bộ phận phụ tùng máy bay ra nước ngoài, góp phần phát triển ngành Công nghiệp Hàng không Việt Nam.

Chiến lược công nghiệp chế tạo máy bay cần chú trọng việc sản xuất và lắp ráp các bộ phận máy bay bằng kim loại và composit, thúc đẩy các dự án hợp tác quốc tế về nghiên cứu vật liệu kim loại và composit để phát triển việc thiết kế cải tiến và công nghệ chế tạo các bộ phận của máy bay.

Khi Nhà nước mở rộng bầu trời ở tầng thấp cho các máy bay nhỏ hoạt động thì nhu cầu nhập khẩu các loại máy bay nhỏ và phụ tùng tăng cao. Những nhà sản xuất máy bay nhỏ quốc tế cũng sẽ có ý định sản xuất phụ tùng và lắp ráp máy bay tại Việt Nam, rồi tiến đến việc sản xuất máy bay nhỏ và máy bay siêu nhẹ để xuất khẩu cho khu vực Đông Nam Á nếu Nhà nước có chính sách khuyến khích phù hợp.

PV: Theo ông, lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cần có những chính sách, cơ chế nào để thu hút nguồn lực kiều bào đóng góp cho ngành khoa học hàng không nói riêng và các ngành khoa học khác nói chung phát triển?

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: Trước tiên Nhà nước cần có chính sách và cơ chế để phát huy năng lực của các nhà khoa học kỹ thuật hàng không trong nước phục vụ cho chiến lược phát triển công nghiệp sản xuất phụ tùng máy bay và chế tạo máy bay.

Kinh phí nghiên cứu về kỹ thuật hàng không, như về vật liệu hàng không, về khí động lực học, về thiết kế chế tạo máy bay nhỏ và máy bay không người lái loại nhỏ… cần được ưu tiên cho hai trường Đại học Bách khoa có ngành kỹ thuật hàng không.

Chính phủ cần có chủ trương xây dựng dự án thiết kế chế tạo máy bay nhỏ và máy bay không người lái với sự tham gia tương xứng với tiềm năng khoa học và công nghệ của các trường đại học, viện nghiên cứu, các công ty liên quan… Trí thức Việt kiều ngành kỹ thuật hàng không được thông tin về dự án và mời tham gia với quyền lợi tinh thần và vật chất được bảo đảm tương xứng. Gần đây, Viện Hàng không Không gian Viettel đã thu hút được nhiều Việt kiều ngành kỹ thuật hàng không về nước làm việc cho dự án nghiên cứu thiết kế chế tạo máy bay không người lái loại lớn khi họ được giao quyền hạn và trách nhiệm tương xứng, cũng như có chế độ lương bổng bằng với nơi họ làm việc trước khi về Việt Nam.

Chính phủ và lãnh đạo TP Hồ Chí Minh chỉ có thể thu hút nguồn lực kiều bào đóng góp cho ngành khoa học hàng không nói riêng và các ngành khoa học khác nói chung, khi có chiến lược xây dựng công nghiệp chế tạo máy bay hay ngành công nghiệp khác, có dự án cụ thể và lâu dài về sản phẩm cần nghiên cứu thiết kế và sản xuất. Mặt khác, quyền hạn, trách nhiệm và chế độ lương bổng được xét hoàn toàn theo năng lực chứ không phân biệt là trí thức trong nước hay trí thức từ nước ngoài về.

Ông Nguyễn Thiện Tống du học tại Úc với học bổng Colombo Plan vào cuối năm 1965. Ông tốt nghiệp Kỹ sư Hàng không năm 1970 loại xuất sắc và tốt nghiệp Tiến sĩ Kỹ thuật Hàng không – Viện Đại học Sydney vào năm 1974.

Ông nhận học bổng Fulbright năm 1992 và tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Hành chính công tại trường Kennedy thuộc Viện Đại học Harvard – Hoa Kỳ năm 1994.

Ông đã tham gia Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam năm 1995. Khi đang làm việc bán thời gian cho Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Việt Nam với mức lương tháng 1.500 USD, ông được Giáo sư Trương Minh Vệ – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh đề xuất góp sức xây dựng kế hoạch đào tạo ngành Kỹ thuật hàng không. Tháng 4/1996, Bộ môn Kỹ thuật hàng không được thành lập, ông là Chủ nhiệm Bộ môn và cũng là thành viên duy nhất.

Trong nhiều đợt lấy ý kiến xây dựng cho Luật Giáo dục Đại học Việt Nam, ông đều nằm trong số những chuyên gia uy tín được mời đóng góp ý kiến.

(nguồn:Tạp chí Quê Hương)

Trả lời